25 tháng 5, 2011

Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy. (Ga 15,8)

Lời Chúa: 
Ga 15,1-8
1"Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. 2Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. 3Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. 4Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. 5Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy. 

24 tháng 5, 2011

BUỔI HỌP MẶT, NGHĨ VỀ LÝ TƯỞNG TUỔI TRẺ...
Một Lần Đốt Lửa…
Là một sinh viên năm thứ  ba của Đại Học Sư Phạm và được hân hạnh nhận học bổng Dấn Thân Nguyễn Văn Thuận từ hai năm qua, Trinh đã có dịp theo chân chị Khánh Trân và các anh Hồ Mẫn, Võ Thiện Toàn, Đoàn Tuấn từ Hoa Kỳ về trong những chuyến Công Tác Y Tế Tình Thương. Để từ từ nhận mình là một thành viên của Bút Nhóm Lửa Việt. Cám ơn quí anh chị đã chuyển ngọn Lửa tình thương và lòng Nhân Ái đó về lại quê hương. Nhờ những lời mời gọi và khuyến khích của chị Khánh Trân, Trinh mới thấy rằng mình gặp được một môi trường có ý nghĩa để rèn luyện nhân cách, nghĩ khác đi, sống tích cực hơn, yêu thương và quyết tâm dấn thân nhiều hơn nữa.
Chị Khánh Trân cho biết là tháng 3 này chị sẽ đi Bắc Kạn tham gia một chuyến Công Tác Tình Thương với phái đoàn Y Sĩ từ Hoa Kỳ về. Trong lòng Trinh ao ước được dịp tham gia với phái đoàn, nhưng thời gian này, Trinh cũng rất bận với công việc học nên không dám xin đi theo và rất tiếc mất cơ hội để gặp quý anh chị trong phái đoàn.
Từ Bắc Kạn, chị Khánh Trân gởi emai cho biết, quí anh chị từ phái đoàn về rất muốn dịp gặp gỡ anh chị em sinh viên. Và ngày gặp gỡ Lửa Việt đã đến hay một lần đốt Lửa đã trôi qua nhưng trong lòng Trinh và các bạn mỗi người chúng con còn đọng lại quá nhiều điều... để chia sẻ.
Gần 60 người sinh viên từ các trường Đại Học đã kéo về, có người đây là lần đầu tiên gặp mặt, có người đã cùng đi trên những chiếc xuồng, xe bus trong các chuyến công tác Y Tế. Buổi họp mặt tuy ngắn ngủi mà ấm áp, tuy lạ mà quen, những ánh mắt, những cái xiết tay làm xa gần xích lại gần nhau, những nụ cười thân thiện, nồng ấm tình đoàn viên. Những giờ phút ngồi bên nhau, sinh hoạt với nhau của các anh chị em và nhất là trò chơi “kéo, búa, bao” và câu chuyện “gió, sấm, mưa” của Cha Nguyễn Hoài Chương, người anh cả của BNLV từ Hoa Kỳ về. Các trò chơi này rất lạ và  tạo nên một bầu  không khí cởi mở hơn, chan hòa hơn, làm xóa hết những khoảng cách và sự lấn cấn ban đầu, để mỗi người chúng con có được cảm nhận rằng ở nơi đây với những con người này mình được hòa đồng, là thành viên thuộc về nhóm. Ở nơi đây mình được là chính mình, tìm được sự đỡ nâng, sự đồng cảm, cùng chí hướng và thấy được sự nhiệt huyết của ngững người sinh viên trẻ, phát huy được của bản thân, tìm thấy được con đường lý tưởng mà tuổi trẻ đang phân vân kiếm tìm giữa thời đại hỗn tạp ngày nay.
Sau những bắt tay và giới thiệu nhau, cha Hoài Chương cho biết hành trình của 3 tuần vừa qua của Cha và quí anh chị trong phái đoàn Thiện Nguyện. Những khó khăn đã gặp ở Bắc Kạn và lý do tại sao phái đoàn Y Sĩ là về Vĩnh Phúc, hay câu chuyện đứng tại bệnh Viện Triều An gọi điện thoại đến một vài thân hữu để xin thêm tiền lo cho 3 em được giải phẫu tim. Trong đó có bé gái người dân tộc Jai ray, cháu Khuyết cân nặng chưa đầy 5kg mà đã hơn 14 tháng. Bac Sĩ Phan cho cha biết, bé Khuyết sẽ chết trên bàn mổ nếu quyết định giải phẫu ngay. Hay bàn tay 6 ngón cúa đứa bé trai mà Cha đã gặp hay con bé mắt lé – mà Cha và phái đoàn Y Sĩ đã giải phẫu. Nói về đôi dép to và nhỏ của chương trình Dép của Người Phong. Trinh nhìn xuống đôi chân của Cha, mà cảm phục đôi giày đó vẫn mang màu đất đỏ của Pleiku, Komtum, Phú Yên..  những chuyến công tác đi mòn đôi giày vải từ Bắc vào Nam, len lỏi từng ngóc ngách miền Trung, lặn lội nơi những miệt vườn ở miền Tây và đi khắp những dải đất đỏ trên Tây Nguyên. Đó không chỉ là những câu chuyện kể cho vui lúc gặp mặt, cũng không đơn thuần là lý thuyết về công việc từ thiện mà nó được cô đọng từ chính những bước chân thực tế mà cha đã trải qua trên những chặng đường đến với những người anh em, đồng bào mình, trong đó qua những điều thực tế ấy, có những khó khăn và gian khổ khi làm việc, mà vẫn chất chứa rất nhiều niềm vui, niềm tin và hy vọng của những con người miệt mài, chuyên chở những tấm lòng, âm thầm phục vụ và cống hiến.
Với phong cách dung dị, mái tóc muối tiêu dài gần vai nét mặt luôn nỡ nụ cười. Những câu chuyện sống động về những sinh hoạt từ thiện của BNLV, từ nhiều năm qua và lời tâm huyết của cha đã kể các bạn sinh viên, nhưng tôi nghe và cảm nhận. Đôi lúc cha dùng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, không biết là cha đang dạy chúng tôi – hay hơn 30 năm sống ở quê người, ngôn ngữ của cha là tiếng Anh - nhưng tình thương mà cha nói riêng và của Lửa Việt nói chung là Việt Nam. Cha khơi lại ngọn Lửa nơi chúng tôi, đất nước này, quê hương này, dân tộc này là của chúng tôi và cha xin chúng tôi cho BNLV được hành trình tạo dựng lại quê hương. Cha đã làm chúng con như bừng tỉnh trách nhiệm của mình và sức sống của quê  hương, Cha đã đốt lại trong anh chị em chúng con sức sống của tình thương trong hành trình dấn thân mà trái tim nhiệt huyết của mỗi người ấp ủ bấy lâu nay.
Cám ơn buổi họp mặt có sự hiện diện của cha và một số vị ân nhân có mặt hay ở xa đang dõi theo tụi con, cám ơn chị Khánh Trân và các anh chị khóa trước dù đã ra trường trưởng thành từ Bút Nhóm Lửa Việt bay xa rồi mà trái tim vẫn còn đập những nhịp đập nồng ấm lắm đã quay trở lại tiếp thêm sức cho đàn em. Điều đó là minh chứng hùng hồn cho sức sống cho sự lan tỏa của tinh thần Bút Nhóm Lửa Việt.
Đến với nhóm, đến với những người trẻ cùng chí hướng có sự dìu dắt hướng dẫn và hỗ tr của cha, những vị ân nhân và nhiều người đi trước chúng con vững tin hơn nữa về con đường và ý nghĩa cuộc sống khi mình mang tin yêu và sự sẻ chia đến với cộng đồng, đến với những người anh em. Đúng như câu slogan của nhóm “Lửa Việt – dấn thân – Lửa Việt - chia sẻ - Lửa Việt - yêu thương”
Buổi gặp gỡ kết thúc. Ra về trong niềm vui, trở lại với cuộc sống và học tập, mỗi người chúng con mang theo rất nhiều điều suy ngẫm...
Suy nghĩ về lý tưởng của người trẻ trong thế hệ hôm nay, trong đó có quyết tâm học tập vươn lên bằng chính nỗ lực của mình, có niềm tin, lòng nhiệt thành dấn thân cống hiến và san sẻ.
Mang theo lời dặn dò lớp trẻ và hứa đồng hành dẫn dắt và hỗ trợ tinh thần cho chúng con, lời của những người đi trước đã mở một lối đi đến trái tim và cuộc sống của đồng bào.
 Mang theo sự kết nối thân tình, những gương mặt thân thương...
Thấy thấp thoáng đâu đây những ánh nến ấm áp như tinh thần nhiệt huyết của cha và tất cả những cô chú, anh chị trong Bút Nhóm Lửa Việt – xa quê hương hơn nữa vòng trái đất mà mang nặng hoài bão để thay đổi những mãnh đời bất hạnh. Đã đi trước nhưng không đi xa quê hương, trái tim và  giòng máu của quí anh chị đang bùng cháy của tuổi trẻ Việt Nam tại quê nhà. Những ánh nến lấp lánh niềm tin yêu và hy vọng ấy sẽ cháy mãi trong tâm trí của chúng con. Nhắc nhở chúng con về nhóm Lửa Việt, ở nơi đó ngập tràn ánh lửa của tình anh em và bầu nhiệt huyết cống hiến.

Chỉ tiếc là một năm nhóm chỉ họp mặt được vào đợt công tác hè và rất ít cơ hội để chúng con họp mặt thường xuyên hơn. Gặp để nối kết, để chia sẻ, để nắm tay nhau tiếp thêm sức mạnh sống và phục vụ. Hoặc chỉ để cùng nhau chơi lại trò chơi “ kéo, búa, bao”. Trò chơi đơn giản mà cha đã dạy chúng con, nhắc nh con về nhiều điều, nhắc rằng con là “paper” là  “giấy” là “bao” phải ra sức học tập tích lũy tri thức cho bản thân mình, có kiến thức giỏi thì mới có hiểu biết mà phục vụ tốt hơn được, như thế mới xứng đáng là “paper”. Là “scissors” là “kéo” để biết sắc bén, nhạy cảm với những điều xấu tốt trong cuộc sống, để biết can đảm cắt tỉa bớt những cái ích kỷ xấu xa của mình đi, tự hoàn thiện mỗi ngày mỗi hơn. Có được tâm hồn và trái tim vì cái chung thì mới dễ đến được với tâm hồn và trái tim mọi người. Là “búa” để biết quyết tâm và quyết đoán hơn nữa trong mọi quyết định của mình, phải mạnh mẽ và vững vàng trong cuộc sống. Phải không cha?
Anh chị em chúng con luôn cầu chúc cha và quý ân nhân cùng toàn thể các thành viên xa gần của Bút Nhóm Lửa Việt nhiều sức khỏe, niềm vui, luôn bình an và hạnh phúc.
Nguyễn Thị Thanh Trinh
Đại Học Sư Phạm


Bản Tin - Thư Mời Họp Mặt

BUỔI HỌP MẶT SINH VIÊN BÚT NHÓM LỬA VIỆT
TRONG CHƯƠNG TRÌNH HỌC BỔNG “DẤN THÂN”
MANG TÊN ĐỨC CỐ HỒNG Y NGUYỄN VĂN THUẬN
Lần II - Ngày 29 – 05- 2011

Các em sinh viên rất mến,
Thay mặt cho các anh chị trong Bút Nhóm Lửa Việt, chị Khánh Trân có lời chào và thăm sức khỏe của các em, nhân dịp này chị có lời mời các em sinh viên trong chương trình học bổng “Dấn Thân” mang tên Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận vui lòng, sắp xếp thời gian đến dự buổi họp mặt sinh viên lần II.
Mục đích của cuộc họp này là gặp gỡ các em sinh viên trong các chuyến đi y tế sắp tới và chia sẻ một chút về nhân bản của người trẻ hiện nay trong đời sống sinh viên xa nhà.
·         Ngày họp mặt: 29/05/2011, từ 18h15 phút --> 20h15.
·         Tại nhà thờ Tân Sa Châu – 387 Lê Văn Sỹ - Phường 2 – Q. Tân Bình. Tp. HCM

v  Sẵn dịp chị cũng thông báo về lịch trình y tế năm nay như sau:
ü  Chuyến 1: Ngày 04 – 05/06/2011, tại Gò Công và Cai Lậy – Tiền Giang
ü  Chuyến 2: Ngày 10 – 12/06/2011, tại Ka Đơn – Đơn Dương và Ninh Gia – Đức Trọng, Lâm Đồng.
ü  Chuyến 3: Ngày 18 – 19/06/2011, tại Núi Sập – An Giang.
Các em xem qua lịch trình y tế và cố gắng sắp xếp để tham gia chuyến đi nha. Mỗi em chỉ được tham gia một chuyến đi thôi, nếu em nào bận việc gia đình hay thi cử thì sẽ được miễn. Xin cho chị Khánh Trân biết rõ lý do qua mail: hocbongbnlv@gmail.com.
Cám ơn các em rất nhiều đã cùng cộng tác với các anh chị BNLV trong những chuyến y tế đã qua, để chuyển đến cho bà con nghèo tận vùng sâu vùng xa những viên thuốc tình thương đầy tình người, những phần quà thêm vị cho bữa cơm hằng ngày của các gia đình ở vùng nông thôn, hẻo lánh, mang những hạt gạo đến cho đồng bào thiểu số miền núi Cao Nguyên và đặc biệt hơn cả là mang lại niềm vui cho những nụ cười trẻ thơ qua những trò chơi, những viên kẹo lạ lẫm, những bong bóng đủ màu sắc, nắn đủ hình dạng khác nhau...
Mến chào các em, chị cầu chúc cho các em luôn chăm ngoan trong gia đình, học giỏi và luôn mạnh dạng tiếp bước theo thế hệ trẻ ngày hôm nay, dấn thân, phục vụ cho đồng bào mình trên quê hương Việt Nam. Chúng ta hãy cùng nối kết những vòng tay lại và luôn mong mỏi vòng tay nối kết của chúng ta luôn được nối kết thêm những cánh tay của các bạn trẻ sinh viên khắp nơi trên quê hương Việt Nam của mình nha các em.
Tình thân,
Chị Khánh Trân.

23 tháng 5, 2011

Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. (Ga 14,27)

Thứ Ba sau Chúa Nhật V Phục Sinh
Lời Chúa: 
Ga 14,27-31a
27Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. 28Anh em đã nghe Thầy bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh em". Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. 29Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin. 30Thầy sẽ không còn nói nhiều với anh em nữa, bởi vì Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy. 31Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy

22 tháng 5, 2011

Đức Giêsu đáp: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. (Ga 14,23)

Thứ Hai sau Chúa Nhật V Phục Sinh
Lời Chúa: 
Ga 14,21-26
21Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy." 22Ông Giu-đa, không phải Giuđa Ítcariốt, nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian? " 23Đức Giêsu đáp: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. 24Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. 25Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. 26Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. (Ga 14,12)

Thầy đi để dọn chỗ cho các con

Chúa Nhật V Phục Sinh
Lời Chúa: 
Ga 14,1-12
1Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. 2Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. 3Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. 4Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi." 5Ông Tôma nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường? " 6Đức Giêsu đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. 7Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người." 8Ông Philípphê nói: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện." 9 Đức Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha"? 10Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. 11Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. 12Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.

21 tháng 5, 2011

Những Tấm Lòng ADAPT

Nhìn tấm ảnh trên chúng ta hãy đoán thử xem họ là ai? Phải chăng họ là những tay đua cừ khôi đang chuẩn bị cho một chặng hành trình dài? Hay họ là những nông dân mới đi thăm đồng về ? Cũng có thể họ là những giáo viên đang đứng lớp?
Mũ nón chỉnh tề rồ ga lên đường từ sáng tinh mơ. Hãy nhìn những nụ cười của họ… thật tuyệt thật khí thế! Và có khi đến tối mò họ mới trở về nơi nghỉ. Ta hãy nhìn xem trang phục bây giờ của họ… áo quần, giày dép lem lấm những sình bùn! Nhưng họ vẫn cười, những nụ cười còn tươi gấp nhiều lần hơn lúc rạng sáng khi ra đi.
Chúng tôi viết về những thiện nguyện viên của “Chương trình hỗ trợ học tập SPELL” trên đường đi thăm các hộ gia đình có con được nhận học bổng này. Đây là một chương trình hỗ trợ học tập được phối hợp giữa các tổ  chức phi chính phủ người Mỹ gốc Việt gồm Pacific Links Foundation, East Meets West Foundation và International Children Assitance Network.
Mũ nón chỉnh tề rồ ga lên đường từ sáng tinh mơ với những nụ cười thật tuyệt, thật khí thế! Và có khi đến tối mò họ mới trở về nơi nghỉ. Trang phục bây giờ của họ … áo quần,giày dép lem lấm những sình bùn! Có hôm, Chị Kim Tố mất luôn hai đôi dép vì sình quá sâu. Nhưng họ vẫn cười, những nụ cười còn tươi gấp nhiều lần hơn lúc rạng sáng khi ra đi.
Họ đi đâu thế? Xin thưa: Họ đi thăm những học sinh trong chương trình của mình! Họ gồm đủ thành phần: họa sĩ, kĩ sư một số ngành, nhà quản lí giáo dục, giảng viên trường đại học trong nước; những thiện nguyện viên nhiệt tình, là những mạnh thường quân, những Thạc sĩ, Tiến sĩ Việt kiều tốt nghiệp ở Mỹ hoặc một số nước Châu Âu. Tất cả đều có chung môt chí hướng: vì người nghèo, giúp những học sinh thiếu điều kiện hoc tập được đến lớp, được bảo vệ... Họ tham gia chương trình bằng tấm lòng tự nguyện.
Do những nhu cầu cấp bách phòng chống nạn buôn phụ nữ và trẻ em qua biên giới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, chương trình Hỗ Trợ Học Tập SPELL được lồng vào với các hoạt động dạy nghề – hỗ trợ việc làm và giúp đỡ cho những em hồi hương tái hoà nhập về gia đình và địa phương trong một dự án có tên là ADAPT. Dự án này được Pacific Links Foundation trực tiếp thực hiện, có văn phòng đặt tại TP Long Xuyên, An Giang. SPELL tại An Giang và Đồng Tháp được gọi là ADAPT-SPELL. Mỗi năm, chương trình đến thăm các hộ gia đình hai hay ba lần và tích cực vận động các em học sinh không bỏ học, trở lại trường.
Đặc điểm nổi bật của chương trình ADAPT-SPELL là không phân biệt năng lực của nữ học sinh nhận học bổng và luôn quan tâm theo dõi bước học tập của các em. Có mấy ai nhà nghèo, vượt được khó để tiếp tục học đâu. Việc học nhiều gia đình chỉ đầu tư cho con trai nên một số em gái càng dễ bị tụt lại và dẫn đến bỏ học. Mà bỏ học sớm thì chưa đủ sức phán xét, có khi dễ bị lừa gạt và có thể bị bán qua bên kia biên giới.
Đối tượng học sinh được chọn là những em nghèo, thuộc những vùng nằm dọc theo biên giới Việt - Campuchia lớp 4 đến lớp 8 vào năm học 2005 - 2006. Học bổng gồm các phần: hiện vật trang bị đầy đủ cho việc học tập của một học sinh theo từng khối lớp kể cả đồng phục chính khoá và thể dục, các khoản phí đóng cho nhà trường, hỗ trợ phụ đạo bồi dưỡng, đóng BHYT… Lời hứa của chương trình là giúp các em nhận học bổng đến hết lớp 12.
Để cùng với nhà trường kịp thời ngăn chặn các em bỏ học và giúp đỡ giải quyết những khó khăn trước mắt của các em, khi đến thăm hộ thăm gia đình, các thiện nguyện viên hỏi thăm về cuộc sống, về sức khoẻ, về sự quan tâm của phụ huynh dối với việc học của các em.
Đấy là công việc của những tình nguyện viên. Họ giống như những cánh chim không mõi, mãi mãi với điệp khúc “vội vã trở về … vội vã ra đi”. Người trẻ về thăm cha mẹ, vợ con, người già về thăm cháu chắt, sắp xếp lại công việc gia đình, đốt vài nén hương… rồi lại tiếp tục lên đường. Đó là những người ở trong nước. Còn những thiện nguyện Việt kiều họ càng vất vả hơn. “Vội vã bay về rồi vội vã bay đi… Về rồi lại về!..” Mỗi lần về có khi họ phải bỏ công việc, con thì gửi lại cho người thân. Còn mấy ông chồng thì sao nhỉ? Chắc cũng mặc! Cứ cho mấy anh chàng tự do bay bướm vài hôm! Vì tình yêu người Việt, vì sự phát triển của cộng đồng họ sẵn sàng khắc phục những khó khăn, có khi hi sinh những hạnh phúc riêng tư để đến với những con người nghèo khó.
Môt lần, ngồi trên chuyến xe chiều đợi đò sang sông ở phà Cao Lãnh, sau những ngày dài đi phát Học bổng cho các học sinh ở các huyện về, chợt nhớ đến con mình, cô Diệp - Chủ Tịch tổ chức Vòng Tay Thái Bình đã thốt lên: ”Mình lo cho các em bên này, còn con mình ở bên kia nhập học lại không có mẹ.”
Lúc lội suối lội đèo, lúc lắc lư trên những cây cầu khỉ, lúc lọt tỏm xuống nước, lúc xăn quần qua khỏi đầu gối… họ vẫn cứ đi. Càng đi càng lại muốn đi! Biết bao cuộc đời đau khổ, biết bao học sinh nghèo đang cần được cải thiện điều kiện học tập để không phải bỏ học giữa chừng!
Chị em hoạ sĩ Kim Tố và Phương Thảo, hai cô con gái của nhà văn Vũ Hạnh là những con người xả thân vì tất cả cho các trẻ em và người nghèo trên quê hương Việt Nam của mình, chị Khánh Trân đúng là một Ma Soeur đã dấn thân vào đời… với cả một tấm lòng không vị lợi cho riêng mình, tất cả đều không quản ngại vất vả gian nan. Sharla, cô thiện nguyện viên dạy tiếng Anh từ Volunteers in Asia (VIA) giúp cho ADAPT có lần trong một ngày té xuống ruộng hai lần mà không hề thấy than thở. Xe bị quẳng mấy lần, tay chân trầy sướt, áo quần tả tơi trên những con đường thăm hộ đằng đẵng sình lầy … Nhưng họ vẫn cứ đi! Mình đi thăm thôi mà còn cực khổ như vậy, huống hồ gì các em phải đi học mỗi ngày từ những nơi sình lầy đó đến được tới trường. Càng đi các thiện nguyện viên càng cảm thấy tâm hồn như rộng mở thêm. Tối về lại trăn trở không yên về những cảnh đời, về những học sinh trong chương trình của mình!
“…Sống trên đời sống cần có một tấm lòng… Để làm gì em có biết không?_ Để gió cuốn đi…cuốn di…”  May mắn còn được đứng trên bục giảng, thỉnh thoảng tôi mượn lời trong một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để hướng thiện tâm hồn những học sinh của mình. Yêu đời hãy yêu người! Hãy biết chia sẻ những khó khăn, nỗi khổ của những người khác. Còn biết bao mảnh đời bất hạnh đang chờ đợi chúng ta!.
Phải chăng không gì hạnh phúc hơn khi ta được sống để giúp người khác vượt qua khó khăn?
N. Anh
Điều phối viên Chương trình Học bổng ADAPT-SPELL
Last Updated ( Friday, 11 May 2007 )